Tin thị trường

Nghiên cứu sản xuất bao bì sinh học và thông minh

19 Th.8 2020

“Việt Nam là nước xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển, vì vậy các doanh nghiệp, người tiêu dùng cần sử dụng, sản xuất bao bì nhựa theo 3 hướng bền vững: tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế”. TS. Hoàng Xuân Tùng, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học "Kết nối hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành nhựa/màng bao bì thực phẩm của Thành phố tầm nhìn đến 2025", do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 14/6/2019.

Theo TS. Tùng, hiện nay bao bì thực phẩm không chỉ bền, rẻ mà phải phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau, đẹp về mẫu mã, đảm bảo chất lượng để tránh thực phẩm bị ảnh hưởng từ bên ngoài vào bên trong và giảm mất mát từ trong ra ngoài. Đồng thời, bao bì thực phẩm phải không độc hại để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bao bì phải phù hợp với hệ thống sản xuất của nhà máy thực phẩm, giảm được trọng lượng nhưng vẫn giữ được độ bền ở các điều kiện khác nhau,…

Trong tương lai, ngành bao bì cần phát triển theo xu hướng bao bì xanh, thân thiện với môi trường, khử khuẩn và bao bì thông minh giúp theo dõi chất lượng thực phẩm trong toàn bộ quá trình vận chuyển và lưu kho” - TS. Tùng nói và cho rằng, trước mắt cần phải hạn chế, tái sử dụng, tái chế bao bì nhựa để hạn chế rác thải ra môi trường. Đồng thời cũng phải giảm thiểu toàn bộ các ảnh hưởng gián tiếp trong quá trình sản xuất bao bì đến môi trường.

Ông Lê Đức Dục - Phó tổng giám đốc Công ty Liksin cho biết, doanh nghiệp của ông hiện cũng đang phát triển sản phẩm bao bì bền vững theo 3 yếu tố trên: Tiết kiệm, Tái sử dụng và Tái chế. Để tiết kiệm, công ty giảm lượng nhựa bằng cách giảm số lớp, độ dày cũng như kích thước nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Đồng thời, sử dụng vật liệu tái chế như giấy, bìa, vật liệu phân hủy sinh học, nhựa có chứa chất phụ gia hỗ trợ tái chế, sản phẩm đã qua sử dụng,… “Ngoài ra, Công ty đang nghiên cứu công nghệ AR, công nghệ tiên tiến trong bao bì để kết nối với người tiêu dùng, cảm nhận được hương vị của sản phẩm, tăng thời gian bảo quản, phân biệt được hàng thật, hàng giả” - ông Dục chia sẻ.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng quản lý khoa học Sở KH&CN TP.HCM, cho biết, sau khi khảo sát 30 doanh nghiệp trong ngành nhựa và thực phẩm, Sở đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Đó là, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng vật liệu sinh học trong sản xuất bao bì sinh học và thân thiện môi trường; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn đối với bao bì và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất bao bì thông minh cho ngành thực phẩm. Ông Xu mong muốn và kêu gọi các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đề xuất các nhiệm vụ KH&CN theo các hướng nghiên cứu nói trên để Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ kinh phí thực hiện.

KH&PT